Thân Hữu Đồng Công - Hải Ngoại

Giáo Hội Hiện Thế: Thời Khoảng 18-20/3/2024

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,

Tin tức về tình hình chiến nạn ở cả 2 trận chiến chính và lớn hiện nay là Ukraine và Gaza có vẻ như lắng xuống, 

có lẽ vì tháng chay tịnh Ramanda của Hồi giáo và biến cố bầu cử Tổng Thống Nga v.v.

không đến nỗi sôi động và dữ dội mấy nữa, như thể bóng dáng hòa bình đã lảng vảng ở đâu đây...

Thế nhưng, trong Hiến chế Gaudium et Spes - Vui mừng và Hy Vọng về mục vụ của Công đồng Chung Vaticanô II (đoạn 78), 

Giáo Hội Công giáo đã nhận định và chủ trương về hòa bình trên thế giới của loài người này như sau:

Bản chất của hòa bình

Hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào sự quân bình hóa giữa các lực lượng đối phương

cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài, nhưng theo đúng định nghĩa thì hòa bình là "công trình của công bằng" (Is 32,7). 

Hòa bình là kết quả của một trật tự đã được chính Thiên Chúa, Ðấng Sáng Lập, ghi khắc vào xã hội loài người 

và phải nhờ những người luôn luôn khao khát một nền công bằng hoàn hảo hơn thể hiện ra trong hành động. 

Thật thế, mặc dù tự bản chất công ích của nhân loại dĩ nhiên phải được định luật đời đời qui định, 

tuy nhiên trong những đòi hỏi cụ thể của nó, công ích vẫn phải chịu những thay đổi không ngừng với diễn biến của thời gian. 

Do đó, hòa bình không bao giờ đạt được một lần là xong, nhưng phải xây dựng mãi mãi. 

Hơn nữa, vì ý chí của con người yếu đuối và bị tội lỗi làm tổn thương, 

do đó muốn có hòa bình mỗi người phải luôn luôn kiềm chế dục vọng của mình và chính quyền phải canh phòng cẩn thận.

Nhưng như thế chưa đủ. 

Hòa bình ấy chỉ có được trên trần gian, nếu giá trị của từng cá nhân được đảm bảo và mọi người tin tưởng cũng như tự nguyện san sẻ cho nhau những của cải tinh thần và tài năng của họ. 

Ý chí cương quyết muốn tôn trọng người khác, những dân tộc khác cũng như phẩm giá của họ và sự ân cần thực thi tình huynh đệ là những điều kiện thiết yếu để xây dựng hòa bình. 

Như thế, hòa bình cũng là kết quả của tình thương, một thứ tình thương vượt xa những gì công bằng có thể đem đến....

Bao lâu con người còn là những kẻ tội lỗi, hiểm họa chiến tranh còn đe dọa và vẫn sẽ còn đe dọa cho tới khi Chúa Kitô đến." 

Tiếp tục hiệp thông cầu nguyện cho hòa bình thực sự của thế giới, một thế giới đang xẩy ra Thế Chiến Thứ 3 phân mảnh,

chúng ta cùng nhau theo dõi tình hình Giáo Hội Hiện Thế trong 3 ngày qua ở những đường links kết nối tùy nghi sau đây:

bé tĩnh


GIÁO HỘI

Tiếp kiến chung thứ Tư 20/3/2024: Thiên Chúa muốn chúng ta là những vị thánh thông minh

Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội châu Mỹ Latinh là một người Mẹ không biên giới

Sứ điệp của ĐTC cho Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61

Đức Thánh Cha kêu gọi quan tâm hơn đến những gia đình làm nông

Tổng thống Ý chúc mừng ĐTC Phanxicô nhân kỷ niệm 11 năm sứ vụ Giáo hoàng của ngài

Đức Thánh Cha: Tuần Thánh là thời gian mở rộng tâm hồn hướng về Chúa và tha nhân

Học viện Kinh Thánh và Học viện Đông phương của dòng Tên được sáp nhập chung

Phong trào Silsilah ở Philippines hỗ trợ tù nhân, một nơi thực thi lòng thương

Ơn gọi linh mục của Giáo phận Columbus Hoa Kỳ tăng gấp đôi

Các giám mục Pháp phản đối dự luật “kết thúc sự sống”

Các Giám mục Haiti tuyên bố không tham gia vào quá trình chuyển đổi chính trị

HIỆN THẾ

Phút cuối của những binh sĩ Ukraine tử thủ ở Avdeevka

Ông Medvedev nói Nga sẽ 'tiêu diệt' nếu Pháp điều binh đến Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Sự tồn vong của Ukraine đang ở ngưỡng nguy hiểm

Bước ngoặt mới trong cuộc xung đột Nga - Ukraine

Vừa thắng cử xong, ông Putin cảnh báo Thế chiến 3

Vladimir Putin: Từ điệp viên KGB đến năm nhiệm kỳ tổng thống

Nhìn lại các nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin

Phương Tây chỉ trích việc tổng thống Nga tái đắc cử; Trung Quốc, Ấn Độ chúc mừng

Thủ tướng Israel: Vẫn đánh Rafah mặc áp lực quốc tế

Chiến tranh Gaza : Quân đội Israel lại tấn công vào bệnh viện al-Chifa

Israel bị cáo buộc cản trở viện trợ nhân đạo cho Gaza

Iran bị lên án vi phạm nhân quyền trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Pháp chuẩn bị 300.000 bao cao su cho làng Olympic

Nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục từng ngày, giới khoa học lo cho tương lai Trái đất

Khách ngoại quốc bị Việt Nam từ chối cho nhập cảnh gia tăng

Hãng Pacific Airlines của Việt Nam phải trả hết máy bay vì nợ nần

Vĩnh Long: Con trai 15 tuổi đâm chết cha ruột vì bị la rầy

Người gốc Việt ‘đâm chém,’ giành lãnh địa chợ Đồng Xuân ở Đức

Giới quan sát: QH họp bất thường với nhiều khả năng Chủ tịch Võ Văn Thưởng từ chức

Việt Nam: Chủ tịch Võ Văn Thưởng từ chức

Tết Nguyên Đán được công nhận là ngày lễ ở tiểu bang Washington

 


Tiếp kiến chung thứ Tư 20/3/2024: Thiên Chúa muốn chúng ta là những vị thánh thông minh

Tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư ngày 20/3/2024, Đức Thánh Cha nói với các tín hữu rằng trong thế giới bị thống trị bởi vẻ bề ngoài, những tư tưởng hời hợt, cần khám phá lại bài học khôn ngoan, bởi vì nếu không có sự khôn ngoan chúng ta dễ đi sai đường. Ngài mời gọi các tín hữu thực hành đức khôn ngoan hàng ngày trên hành trình hướng tới sự sống sung mãn trong Nước Trời, bởi vì Thiên Chúa không chỉ muốn chúng ta là những vị thánh nhưng còn là những vị thánh thông minh.

Vatican News 

Tiếp tục nói về các nhân đức, trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư ngày 20/3, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô về nhân đức khôn ngoan. Cùng với các nhân đức công bình, can đảm và tiết độ, khôn ngoan là một trong các nhân đức “trụ”. Cùng với các nhân đức “đối thần” như đức tin, đức cậy và đức mến, các nhân đức luân lý này là những trụ cột của đời sống Kitô giáo toàn diện.

Đức Thánh Cha giải thích rằng nhân đức khôn ngoan giúp chúng ta có trí tuệ và tự do để phân định và hành động vì thiện ích đích thực của chúng ta. Trước khi đưa ra quyết định, người khôn ngoan cân nhắc các tình huống, xin lời khuyên, cố gắng hiểu sự phức tạp của thực tế và không để mình bị cuốn theo cảm xúc, áp lực hay sự hời hợt.

Đức Thánh Cha nói rằng trong thế giới bị thống trị bởi vẻ bền ngoài, những tư tưởng hời hợt, cần khám phá lại bài học khôn ngoan, bởi vì nếu không có sự khôn ngoan chúng ta dễ đi sai đường. Ngài mời gọi các tín hữu thực hành đức khôn ngoan hàng ngày trên hành trình hướng tới sự sống sung mãn trong Nước Trời, bởi vì Thiên Chúa không chỉ muốn chúng ta là những vị thánh nhưng còn là những vị thánh thông minh.

Trước khi Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý, cộng đoàn cùng nghe đoạn sách Châm ngôn (15,14.21-22.33):

Trí người minh mẫn kiếm tìm tri thức,
miệng kẻ ngu si ham thích chuyện điên rồ...
Kẻ ngu si lấy điều dại làm vui,
người hiểu biết cứ thẳng đường mà tiến.
Thiếu bàn bạc, chương trình đổ vỡ,
nhiều cố vấn, ắt sẽ thành công...
Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA là trường dạy khôn ngoan,
khiêm nhu là đường dẫn đến vinh dự.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha được Cha Pierluigi Giroli đọc thay cho ngài.

Nhân đức khôn ngoan

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta dành bài giáo lý hôm nay để nói về nhân đức khôn ngoan. Cùng với các nhân đức công bằng, can đảm và tiết độ, nó là một trong những nhân đức được gọi là các nhân đức trụ, những nhân đức không phải là đặc quyền riêng của người Kitô hữu, nhưng thuộc về di sản của sự khôn ngoan cổ xưa, đặc biệt là của các triết gia Hy Lạp. Vì vậy, một trong những chủ đề thú vị nhất trong hoạt động gặp gỡ và hội nhập văn hóa chính là đề tài nhân đức.

Trong các tác phẩm thời Trung cổ, việc trình bày về các nhân đức không phải là một danh sách đơn giản những phẩm chất tích cực của tâm hồn. Trở lại với các tác giả cổ điển, dưới ánh sáng mặc khải Kitô giáo, các nhà thần học đã hình dung bộ bảy nhân đức - ba nhân đức đối thần và bốn nhân luân lý - như một loại cơ thể sống, trong đó mỗi nhân đức có một không gian hài hòa để hoạt động. Có những nhân đức thiết yếu và những nhân đức phụ, giống như các trụ, các cột, các đầu trụ. Thật ra, có lẽ không có gì diễn tả tốt hơn ý tưởng về sự hài hòa giữa con người và khát vọng không ngừng hướng tới điều tốt đẹp hơn là hình ảnh một nhà thờ chính toà Trung cổ.

Vì vậy, chúng ta hãy bắt đầu từ nhân đức khôn ngoan. Đó không phải là đức tính của người sợ hãi, luôn do dự về hành động cần làm. Không, đây là một cách giải thích sai lầm. Nó thậm chí không chỉ đơn thuần là sự thận trọng. Đặt đức khôn ngoan lên hàng đầu có nghĩa là hành động của con người phụ thuộc vào trí tuệ và tự do của họ. Người khôn ngoan là người sáng tạo: họ lý luận, đánh giá, cố gắng hiểu sự phức tạp của thực tế và không để mình bị choáng ngợp bởi cảm xúc, sự lười biếng, áp lực hay ảo tưởng.

Trong một thế giới bị thống trị bởi vẻ bề ngoài, bởi những suy nghĩ hời hợt, bởi sự tầm thường của cả sự thiện và sự ác, bài học cổ xưa về đức khôn ngoan đáng được khơi dậy lại.

Thánh Tôma Aquinô: khôn ngoan là lý trí ngay thẳng trong tương quan với hành động

Thánh Tôma (Aquinô), theo bước của triết gia Aristotle, gọi đức khôn ngoan là “recta ratio agibilium” (lý trí ngay thẳng trong tương quan với hành động). Đó là khả năng điều khiển các hành động để hướng chúng tới điều tốt đẹp; vì lý do này mà nó có biệt danh là “người đánh xe của các nhân đức”. Người khôn ngoan là người có khả năng lựa chọn: cuộc sống luôn dễ dàng nếu chỉ giới hạn trong sách vở, nhưng giữa sóng gió của cuộc sống đời thường thì nó lại là một điều hoàn toàn khác; chúng ta thường không chắc chắn và không biết phải đi đường nào. Người khôn ngoan không lựa chọn một cách ngẫu nhiên: trước hết họ biết mình muốn gì, sau đó họ xem xét các tình huống, tìm kiếm lời khuyên và với tầm nhìn rộng và sự tự do nội tâm, họ chọn con đường nào để đi. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể mắc sai lầm, suy cho cùng chúng ta vẫn luôn là con người; nhưng ít nhất sẽ tránh được những thất bại nặng nề. Thật không may, trong mọi môi trường đều có những người có xu hướng gạt bỏ vấn đề bằng những trò đùa hời hợt hoặc luôn gây tranh cãi. Ngược lại, khôn ngoan là phẩm chất của những người được kêu gọi lãnh đạo: họ biết rằng việc điều hành là khó khăn, có nhiều quan điểm và chúng ta phải cố gắng hòa hợp chúng, rằng chúng ta phải làm điều tốt không phải cho một số người mà là cho tất cả.

Sự khôn ngoan cũng dạy rằng, như người ta nói, “sự hoàn hảo là kẻ thù của điều tốt đẹp”. Trên thực tế, quá nhiệt tình trong một số trường hợp có thể dẫn đến thảm họa: nó có thể phá hỏng một công trình vốn đòi hỏi phải thực hiện từ từ; nó có thể tạo ra xung đột và hiểu lầm; nó thậm chí có thể gây ra bạo lực.

Người khôn ngoan quý chuộng quá khứ, có tầm nhìn xa

Người khôn ngoan biết giữ gìn ký ức của quá khứ, không phải vì sợ tương lai mà vì biết rằng truyền thống là di sản của sự khôn ngoan. Cuộc sống được tạo thành từ sự chồng chéo liên tục của những điều cũ và mới, và thật không tốt khi luôn nghĩ rằng thế giới bắt đầu với chúng ta, rằng chúng ta phải đối mặt với những vấn đề bằng cách bắt đầu lại từ con số không. Và người khôn ngoan cũng có tầm nhìn xa. Một khi họ đã quyết định mục tiêu cần hướng tới, họ cần phải tìm kiếm mọi phương tiện để đạt được mục tiêu đó.

Những vị thánh thông minh

Nhiều đoạn Tin Mừng dạy chúng ta sự khôn ngoan. Ví dụ: người khôn ngoan xây nhà trên đá và người khờ dại xây nhà trên cát (xem Mt 7,24-27). Những cô trinh nữ khôn ngoan mang dầu cho đèn của họ và những người khờ dại không mang dầu (xem Mt 25,1-13). Đời sống Kitô giáo là sự kết hợp giữa tính đơn giản và sự khôn ngoan. Khi chuẩn bị các môn đệ của Người cho sứ mạng, Chúa Giêsu khuyên dạy: “Này đây, Thầy sai anh em như chiên đi vào giữa bầy sói; vậy hãy khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16). Dường như Người muốn nói rằng Thiên Chúa không chỉ muốn chúng ta nên thánh, Người muốn chúng ta trở nên những vị thánh thông minh, bởi vì nếu không khôn ngoan thì rất dễ đi sai đường!

Sau khi cùng cộng đoàn hát kinh Lạy Cha bằng tiếng Latinh, Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho tất cả mọi người.